Mẹ gọi cho tôi vào một buổi trưa tháng 7.
“Bố đi rồi.”
…
“Alo, có nghe được gì không?”
“Dạ.”
“Bố đi rồi.”
…
“Bố đi rồi ạ.”
“Ừ, cũng nhẹ nhàng, Bố ngủ rồi đi thôi.”
…
“Dạ, để con về.”
Tôi ngồi xuống, trống rỗng. Trong phim tôi thường thấy người ta oà lên nức nở. Tôi thì không. Có lẽ tôi đã chuẩn bị từ trước khi nghe máy, vì mẹ tôi thường không gọi giờ này. Có lẽ tôi đã chuẩn bị từ mấy hôm trước, khi tôi chào Bố để về lại thành phố. Có thể là từ mấy tháng trước, khi tôi đọc được kết quả xét nghiệm. Cũng có thể đã từ rất lâu, khi ông nghe tin một người bạn mất và nói với tôi “Ai rồi cũng phải đi hết, bạn bè tuổi này thì chỉ có đám tang là gặp được đông đủ.”
Từ sau tết Bố tôi bắt đầu yếu đi. Ông xuống thành phố được vài tháng, rồi quyết định về dù không ai muốn. Từ đó, thời gian giữa những lần về thăm nhà của tôi ngắn dần, tính bằng tháng, rồi tính bằng tuần.
Mấy hôm trước, tôi còn ngồi bóp chân cho ông. Mới vài tháng mà ông gầy xọp, cánh tay ông chỉ còn chút da. Chân ông lạnh, bàn chân phải bị phù, mỗi lần tôi buông tay một lúc lâu mới vơi đi vết lõm. Da ông sạm đi dù chỉ ở trong nhà. Ông ăn rất ít, rồi cứ thế yếu dần.
Mất đi người thân sẽ rất buồn, nhưng chưa ai nói cho tôi biết nó buồn như thế nào.
Nó giống như đột nhiên tôi có một vết thương thật lớn, lớn đến nỗi ai cũng có thể cảm nhận được nỗi đau khi nhìn thấy nó. Nhưng tôi thì không, tôi không cảm thấy gì cả, nếu chỉ nhìn vào nó, tôi thậm chí không biết rằng liệu vết thương này có thật hay không. Tôi chỉ thấy đau khi nhìn những người xung quanh, tôi cảm nhận được nỗi đau qua phản ứng của họ.
Lâu sau đó, nó để lại một vết sẹo.
Vết sẹo đó tấy lên, khi tôi bật tivi và không còn nghe tiếng ông nữa. Nó tấy lên, khi tôi cắt bánh và biết rằng mình phải ăn thêm một miếng. Nó tấy lên, khi tôi có một câu hỏi và hiểu rằng, mình sẽ chẳng bao giờ biết được câu trả lời của ông là gì.
Đôi khi, nó tấy lên, chẳng vì lý do gì, cứ thế, như chưa từng lành lại.